Đánh giá Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Theo nhận định của báo chí Việt Nam, chương trình giáo dục phổ thông mới là lần đầu tiên mà một chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ tất cả các môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học.[130][131] Bằng việc xây dựng theo hướng tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, chương trình cũng đã khắc phục được những hạn chế của chương trình giáo dục hiện hành năm 2006.[132][133] Giáo sư Joan DeJaeghere, nghiên cứu viên của dự án "Nghiên cứu cải thiện hệ thống giáo dục Việt Nam" (RISE) nhận định chương trình giáo dục phổ thông mới vừa là "một bước tiến quan trọng của giáo dục Việt Nam", vừa là "nỗ lực rất lớn của Chính phủ nằm trong kế hoạch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong bối cảnh hội nhập".[134] Giáo sư Võ Tòng Xuân khẳng định: "Đây là một chương trình giáo dục phổ thông được đổi mới gần như toàn diện và cơ bản. Chương trình có thể đáp ứng mong ước của xã hội về một chương trình giáo dục căn bản, hiện đại cho mọi người Việt Nam, làm bệ phóng vững chắc cho sự phát triển tiếp theo trong quá trình hội nhập thế giới. Có chương trình mới này, Nhà nước sẽ cùng xã hội đầu tư đến nơi đến chốn cho giáo dục phổ thông - nền tảng của giáo dục Việt Nam, để xây dựng mới một thế hệ con người Việt Nam biết kế thừa và phát huy những tinh hoa của đất nước".[135]

Một nghiên cứu của nhóm ba tác giả Đào Thùy Li, Ngô Thanh Hà và Nguyễn Thị Lan Anh đã đưa ra những góc nhìn đánh giá khác về chương trình giáo dục phổ thông mới. Nghiên cứu cho rằng chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng và định hình trên hai "logic nền tảng". Hai logic này, một nửa, "thể hiện mục tiêu phát triển cá nhân và phát triển xã hội mang tính phổ quát của mọi hệ thống giáo dục", nửa còn lại "đòi hỏi một tầm nhìn khá phức tạp về mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội ... bởi những giới hạn của một triết lí giáo dục mang tính công cụ ẩn dưới mục đích và mục tiêu giáo dục đề ra". Theo nhóm tác giả, giáo dục dựa vào năng lực tuy đang là xu thế của thế kỉ 21, nhưng thế hệ trẻ ngày nay cần "những năng lực biến đổi" để có thể làm chủ được tri thức, từ đó đóng góp cho công cuộc đổi mới. Trong khi đó, giáo dục phẩm chất mặc dù tạo ra những con người với giá trị, nhân cách tốt, nhưng lại không có khả năng giúp người học "phát triển tư duy độc lập để có thể vững vàng trong các mối quan hệ xã hội đầy thách thức và mâu thuẫn về mặt đạo đức". Từ những nghiên cứu trên, nhóm tác giả thừa nhận chương trình mới đang "đặt lên vai các cơ sở giáo dục, các thầy cô thực hiện chương trình và trên hết chính các bạn học sinh trọng trách và kì vọng quá lớn". Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đề xuất những nhà giáo dục Việt Nam một mặt, nên có những chính sách đào tạo, bồi dưỡng hợp lý để giúp đội ngũ giáo viên nâng cao tư duy phê phán, tăng cường hợp tác với người học, từ đó trở thành một người hướng dẫn thực thụ thay vì "điều khiển hoạt động của học sinh theo một khuôn mẫu đã ấn định sẵn". Mặt khác, khuyến khích học tập chủ động giữa người dạy và người học để thông qua đó, hai chủ thể này có thể cùng nhau kiến tạo chương trình học.[136]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 //doi.org/10.15625%2F2615-8957%2F12220114 http://daidoanket.vn/chuong-trinh-giao-duc-pho-tho... http://daidoanket.vn/hang-tram-lua-chon-to-hop-mon... http://hvcsnd.edu.vn/nghien-cuu-trao-doi/dai-hoc-4... http://vjes.vnies.edu.vn/vi/thuc-trang-quan-li-thu... http://grep.moet.gov.vn/ https://www.youtube.com/watch?v=M3Iji46HJ-4 https://www.youtube.com/watch?v=bCB1v3A7unY https://www.youtube.com/watch?v=pCNN--qNvr0 https://cvdvn.net/2017/12/28/viet-nam-hoc-duoc-gi-...